ĐÂY CHỈ LÀ TRANG BLOG CÁ NHÂN,KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO TÔN GIÁO HAY ĐOÀN THỂ NÀO.CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ VÀO XEM

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

NGHĨ VỀ NGÀY VU LAN THÁNG 7

Tháng Bảy Âm lịch bên tôn giáo bạn dành riêng để báo hiếu Cha Mẹ hay còn gọi là Lễ Vu Lan.Chúng ta hãy tìm hiểu ngày Lễ này qua bài viết của bạn A.N ( pháp danh Chơn Hiền )
Hằng năm, Phật giáo có 4 ngày Rằm lớn vào các tháng Giêng( rằm Thượng ngươn),  rằm tháng Tư (tức Lễ Phật Đản sinh),  rằm tháng Bảy ( Lễ Vu Lan) và Rằm tháng Mười( Hạ ngươn) Nhưng có lẽ Rằm tháng Bảy là ngày Rằm được rất nhiều Phật tử cũng như người dân xem trọng và tham gia tổ chức cúng tế nhiều nhất. Vu lan là gì? Vu Lan hay nói đủ là Vu Lan bồn có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược–theo nghĩa tiếng Việt. Mà hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên và những vong linh khác được siêu thoát .Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong những đệ tử xuất chúng của Ðức Phật. Dù đã là một bậc A la hán, đệ nhất thần thông nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng” Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang là tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng thần thông của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp ác quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành lửa đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỉ Theo lời Phật dạy, nhằm ngày Rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng),sửa soạn phẩm vật cúng dường Chư Tăng, Nhờ lực gia trì của chư Tăng, Ni phụ giúp cho mẹ Ngài chuyển đỗi tâm ác, thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà thoát khỏi địa ngục.. Noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, ngày này là ngày gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật.nên gọi là ngày báo hiếu., ngày nay học theo gương của Ngài. thường những khi tụng kinh ta hay niệm "Nam mô Đại hiếu Mục Kiền Liên Bổ tát" là vậy. Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ, nương theo đó những vong linh khác cũng được siêu sinh, nên dân gian cũng gọi là ngày “ xá tội vong nhân”
Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”...
Không riêng gì với mỗi Phật tử chúng ta, lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu. Báo hiếu ở đây là báo hiếu đối với cha mẹ, không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác, bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi. Và cũng chính vì nhìn nhận dưới góc độ đó mà hết thảy mọi chúng sinh trong xã hội đều có mối tương quan với nhau. Ðiều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng phạm vi đền ân ra tất cả chúng sinh. “Phổ độ chúng sinh”, “cứu nhân, độ thế”, “xá tội vong nhân” nhờ vậy mà được hình thành. Người Việt cử hành lễ Vu Lan nhằm giải tội cho người chết, cầu phúc cho người sống. Ðiều đặc biệt đáng chú ý là ngoài việc cầu siêu cho gia tiên, người Việt còn có lễ cầu siêu cho các cô hồn, u hồn của người khi tại thế đã thất cơ lỡ vận, phiêu bạt bơ vơ, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái trong xã hội... bằng việc đọc bài văn tế cô hồn trong khi hành lễ. Vậy là tục cúng các cô hồn của người Việt đã giao hoà với tinh thần cứu khổ cứu nạn, cứu nhân, độ thế của nhà Phật làm cho lễ Vu Lan thêm phần phong phú và sống động.
Ngày Rằm tháng 7 còn được gọi là Ngày Phật Hoan  Hỷ, Ngày Tự Tứ bởi ngày nầy đánh dấu kết thúc 3 tháng Chư Tăng khép mình hành trì giới luật và tu tập tinh tấn rốt ráo. Còn Tự tứ là gì? Tự tứ là một thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn là Pravaranà (Bát Thích Bà) cách dịch cũ là Tự tứ, cách dịch mới là Tùy ý. Buổi lễ này được diễn ra vào ngày cuối cùng của 3 tháng an cư kiết hạ, theo luật tiền an cư là ngày 16 tháng Bảy, hậu an cư là ngày 16 tháng Tám, ngày đó mọi người tự nêu ra các tội lỗi mà mình đã phạm phải trước mặt các vị Tỳ kheo khác, và tự sám hối, nên gọi là Tự tứ. Còn gọi là Tùy ý, vì là tùy theo ý của người khác mà nêu ra các lỗi mình phạm phải, nên gọi là Tùy ý. (Từ Điển Phật Học Hán Việt trang 1447) .. Đây là một buổi lễ mà chư tăng, ni sau 3 tháng an cư kiết hạ, ai có lỗi lầm gì phải tự phát lồ sám hối trước đại chúng. Hoặc đại chúng thấy, nghe, hay nghi vị nào đó có phạm tội lỗi, thì có thể chỉ bảo cho vị đó sám hối.
Quả đây là một tinh thần tự giác cao độ của đạo Phật. Thông thường, ai cũng che đậy những lỗi lầm của mình, ít ai  dám phơi bày cái lỗi lầm của mình cho người khác biết. Bởi thế có câu: “Xấu che, tốt khoe.”
Ngược lại, đằng này chư tăng, ni không vì tự ái bản ngã cá nhân, mà tự thổ lộ những điều sái quấy của mình trước mặt mọi người. Bởi do sự thành thật chỉ lỗi cho nhau trong tinh thần hòa ái, tương kính, nên chư Phật trong mười phương hết thảy đều hoan hỷ. Do đó, nên ngày này còn gọi là Ngày Phật hoan hỷ là như thế.
Ngày Vu Lan với tục gắn hoa hồng.
Tục cài hoa hồng vào mùa Vu Lan báo hiếu bắt đầu ở nước ta vào năm 1962, xuất phất từ câu chuyện khi thiền sư Nhất Hạnh sang Nhật Bản và được các sinh viên Nhật Bản cài lên áo một bông hoa Cẩm chướng màu trắng trong Ngày Mẹ (Mother’s day) của người Nhật Bản. Năm đó, thiền sư Nhất Hạnh phổ biến đoản văn “Bông hồng cài áo” về tục lệ cài hoa lên áo của người Nhật Bản như sau:
"...Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother"s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”
Từ năm 1962, các Chùa tổ chức lễ Vu Lan thường kèm theo buổi lễ gắn hoa lên áo tặng cho các Phật tử. Màu hoa hồng tượng trưng cho những ai còn mẹ và hoa trắng dành cho người không còn mẹ đã đi vào lòng người con Phật với bao niềm hạnh phúc và nhớ thương từ đấy.
 Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan và sự kính tin của người dân Việt cũng như Phật tử rất đáng trân trọng và sẽ càng được trân trọng biết mấy nếu được chúng ta thực hiện trong tinh thần của một người con Phật, hành lời Phật dạy một cách đúng Chánh Pháp, sẽ đẹp hơn lên trong mắt mọi người nếu không bị những lệ tục từ xưa mang màu sắc mê tín, rườm rà như cỗ bàn linh đình và hóa vàng mã cho người chết một cách lãng phí, vô ích như đa số người vì thiếu hiểu biết đã tưởng đấy là một trong những cách thể hiện gương hiếu hạnh của Phật giáo. Mong sao dần dần những hủ tục nầy sẽ được xóa bỏ trong cộng đồng, và ngày lễ Vu Lan, ngày Rằm tháng Bảy  sẽ đẹp lên bội phần trong đời sống tinh thần của người  dân Việt.
                                                                                        AN_18/08/2013.


Bên Giáo hội Công Giáo chúng ta,sự cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất được tiếp diễn hằng ngày qua các Thánh Lễ.Đặc biệt chọn ngày 02 tháng 11 trong năm để tưởng nhớ đến linh hồn những người đã khuất,người thân hay ông bà cha mẹ đã qua đời.Ngày đó được gọi là LỄ CÁC ĐẲNG

Lễ Các Đẳng (hoặc "Lễ Các Đẳng Linh Hồn", "Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời") là một ngày lễ quan trọng trong Kitô giáo Tây phương, chủ yếu là Giáo hội Công giáo Rôma, được cử hành vào ngày 2 tháng 11 hằng năm, ngay sau ngày Lễ Các Thánh. Một số giáo hội thuộc cộng đồng Anh giáo và các giáo hội Công giáo Cổ cũng cử hành lễ ngày.
Theo giáo lý của Giáo hội Công giáo Rôma, linh hồn của các Kitô hữu khi chết sẽ phải chịu các án phạt cho những tội lỗi mà họ đã phạm khi còn sống ở trần gian. Tùy theo sự phán xét của Thiên Chúa, nếu trọng tội thì họ sẽ bị phạt vào hỏa ngục mãi mãi, nhưng nếu tội nhẹ thì bị đưa vào tình trạng thanh tẩy gọi là luyện ngục, sau khi thanh tẩy hết tội lỗi sẽ được lên Thiên đàng. Không ai biết rõ thời gian mà một linh hồn phải thanh tẩy là bao lâu, nhưng tín hữu Công giáo tin rằng, người còn sống ở trần gian hoặc người đã được lên thiên đàng đều có thể hiệp thông xin Thiên Chúa xá tội và giảm án phạt cho các linh hồn ở luyện ngục bằng việc cầu nguyện và xin lễ. Việc này có thể làm bất cứ lúc nào nhưng ngày Lễ Các Đẳng là hoạt động trọng thể cao điểm.
Trong ngày Lễ Các Đẳng, tín hữu thường đi tham dự Thánh lễ, viếng nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện tại nghĩa trang.
( Theo WIKIPEDIA )


( NGƯỜI GIÁO DÂN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét