ĐÂY CHỈ LÀ TRANG BLOG CÁ NHÂN,KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO TÔN GIÁO HAY ĐOÀN THỂ NÀO.CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ VÀO XEM

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

TỪ BÁC SĨ TRỞ THÀNH LINH MỤC

Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.
ĐGM phong cùi Jean Cassaigne-Gioan Sanh (1895-1973)
Năm 1974. Chung học Y Khoa Đại Học Sài gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưởng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm một cách lạ lùng làm cho Chung mê mẫn. Chung kinh ngạc khám phá vị giáo sư khả kính này là một Linh Mục Dòng Tên. Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ.
Những năm học Y khoa không phải là dễ dàng đối với Nguyễn Viết Chung anh phải làm thêm nhiều việc nặng nhọc kể cả đạp xích lô để kiếm tiền ăn học và phụ giúp gia đình.
Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:
- Anh có điên không hay là anh bị cùi?
- Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi.Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi.
Từ ngày 01-7-1986 anh về làm việc tại phòng chống sốt rét của tỉnh Đồng Nai cho tới năm 1989. Từ năm 1990-1992 đổi về làm tại phòng xét nghiệm của bịnh viện da liễu Sài gòn. Ở đây anh xin học thêm chuyên khoa da liễu, vì anh không bao giờ anh quên mộng ước của mình.
Năm 1993 Bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại Phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các nữ tu nữ tử Bác ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các nữ tu luôn nhẫn nại lắng nghe phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các nữ tu. Anh chưa phải là người công giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.
Ngày 28-8-1993 bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng Văn Đạt, Dòng Tên, tại Bình Dương xin học giáo lý tân tòng. Ngày 15 tháng 5 năm 1994 bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo. Ở tuổi tứ tuần theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn.
Ngày 15.9.1994 bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của Dòng Vinh Sơn nam số 40 đườngTrần Phú, Đà Lạt. Ngày lễ truyền tin 25.3.2003 Giáo hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua lễ đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.
Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Vẫn thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.
Tháng 3 năm 2009 tôi có về Sài gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dõng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “ “con” cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.
Nhà văn Hương Vĩnh có viết: “Ba vị đã tác động mạnh mẻ trên ơn gọi của cha Chung là Giám mục Jean Cassaigne, Linh mục Lichetenberger và Dì hai Loan ( phục vụ trại phong Bến Sắn 17 năm, chết vì bịnh ung thư ở tại trại này). Cả ba cùng có mẫu số chung – như lời cha Chung – đó là họ đã rao giảng Tin Mừng cho cha bằng cuộc sống chứ không phải bằng lời nói.
Trong bài “Nguyễn Viết Chung và tiếng gọi của Chân Thiện Mỹ” cố Giáo sư Trần Duy Nhiên đã viết trong đoạn kết của bài này như sau:
“Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời Nguyễn Viết Chung bằng những bước đi nhè nhẹ. Nhưng mỗi lần Ngài đến là Ngài để lại dấu ấn sâu sắc trong một tâm hồn biết lắng nghe. Giữa bao nhiêu thần tượng trên thế gian. Nguyễn Viết Chung biết chắc lọc một vài khuôn mẫu định hướng cho cuộc đời mình: Đức Cha Cassaigne, Cha Lichtenberger, Dì Hai Loan.. đấy là chưa kể đến nhiều người khác trong đó có thân mẫu của mình một người mẹ đã suốt đời âm thầm chịu đựng cho đến khi mù lòa. Giữa các gương mặt ấy có một nhân vật gần giống như Nguyễn Viết Chung: Linh Mục Bác sĩ Marcel Lichtenberger. Thế nhưng con đường Chúa dẫn hai vị đi thì hoàn toàn trái ngược nhau. Năm 25 tuổi Cha Lichtenberger vì tình yêu Thiên Chúa thúc bách phải đến với những con người bất hạnh tại Trung Hoa. Và trước những thương tích của Chúa Kitô thể hiện trên hình hài các bịnh nhân, cha đã trở về ngồi lại trên ghế nhà trường để rồi trở thành bác sĩ năm 48 tuổi. Ngược lại, bác sĩ Nguyễn Viêt Chung tốt nghiệp bác sĩ năm 25 tuổi, thế rồi muốn chia sẻ trọn vẹn sự khốn cùng của bịnh nhân nên rốt cục đã gặp Chúa Kitô chiụ đóng đinh trong những con người bất hạnh. Và điều này khiến cho vị bác sĩ tận tâm kia từ bỏ mọi sự để trở thành Linh Mục của Chúa vào tuổi 48.”
KẾT LUẬN
Theo Vietcatholic news: Ngày 18.10.2009 Giáo phận Xuân Lộc đón nhận 1114 tân tòng và hơn 2000 người là thân nhân, họ hàng, bạn bè của các tân tòng. Chủ sự Thánh lễ, Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc cùng đồng tế có Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum và hơn 50 cha trong giáo phận.
Ở mỗi giáo xứ hay mỗi nhà thờ hàng năm đều có làm lễ “Rửa tội” cho người lớn, thông thường con số cũng vài chục người. Trong số những người nhận Bí tích thanh tẩy, con số không nhỏ là những người trí thức.
Con đường đến với Thiên Chúa tình yêu, đến với Hội Thánh Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi tìm về suối nguồn tình yêu là Thiên Chúa toàn năng, để được an ủi, để được hạnh phúc đời này lẫn hạnh phúc vĩnh cữu đời sau, sau khi mất.

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

THẬT TUYỆT VỜI

Những tâm hồn vị nghệ thuật ,một sự kết đoàn tự nguyện ,một màn trình diễn tự phát ,tạo nên một Màn Trình Diễn Độc Đáo ,tất cả mọi người cùng tham dự ,cùng thưởng thức ,cùng hòa mình ,mọi cá thể không còn lẻ loi ,mà là một sự " NHẤT THỂ " để chúng ta được thưởng thức một màn hòa tấu vô tiền khoáng hậu

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

VÌ TÔI LÀ LINH MỤC

Hầu hết mọi người đều biết, một khi vị tu sĩ nào đã được thụ phong chức Linh Mục rồi, thì vị Linh Mục đó tuyệt đối phải tuân hành các giáo điều của Giáo Hội Công Giáo truyền dạy, mà một trong các giáo điều đó là tất cả các Linh Mục phải duy trì tình trạng độc thân và không được phép luyến ái với bất cứ một người phụ nữ nào sau khi đã được thụ phong chức Linh Mục. Nếu vị Linh Mục nào muốn lập gia đình hoặc vì một lý do gì lỡ vi phạm vào 2 giáo điều vừa kể trên, bắt buộc vị Linh Mục đó phải tự mình tình nguyện nạp đơn lên Giáo Quyền, xin phép được từ bỏ thiên chức Linh Mục của mình, để trở thành một thường dân ngoài đời, không còn năng quyền của một Linh Mục, để cử hành những phép bí tích trong Nhà Thờ, tại những nơi thờ phượng hay tại tư gia nữa; ngoại trừ trường hợp chỉ có một số rất ít, những vị Mục Sư đã lập gia đình rồi, thuộc vài giáo phái Tin Lành, nạp đơn xin được phép chuyển nhập vào Giáo Hội Công Giáo và đơn xin sẽ được Giáo Quyền Tối Cao trong Giáo Hội Công Giáo cứu xét và nếu đơn xin được chấp thuận, thì những vị Mục Sư này sẽ trở thành những vị Linh Mục trong hàng ngũ Linh Mục của Giáo Hội Công Giáo, hoặc có một số ít các Thầy Phó Tế Vĩnh Viễn đã có gia đình rồi, nhưng chẳng may người vợ qua đời sớm và theo nội quy của Giáo Hội Công Giáo, một khi người chồng đã được chịu chức Phó Tế Vĩnh Viễn (Permanent Deacon) rồi, thì sau khi vợ qua đời, không được phép lấy vợ khác, nhưng được Giáo Quyền ban cho một đặc ân, như trong trường hợp các con đã tới tuổi trưởng thành và chúng nó đã có thể tự lập được cuộc sống, thì những Phó Tế nằm trong tình trạng độc thân này, đều có thể nạp đơn xin trở thành Linh Mục lên Giáo Quyền cứu xét và nếu đơn xin được chấp thuận, thì chỉ phải học thêm môn Thần Học từ 1 cho đến 2 năm nữa, là hội đủ điều kiện chịu chức Linh Mục nếu muốn.
Sau đây chúng tôi xin tường thuật lại một câu chuyện có thật của một vị Linh Mục giải thích cho chúng tôi nghe về lý do tại sao Ngài không còn là Linh Mục nữa và Ngài đã được Giáo Quyền cho phép cởi bỏ áo tu sĩ, để có một cuộc sống ngoài đời bình thường như trăm ngàn giáo dân khác và Ngài đã lập gia đình. Câu chuyện của cựu Linh Mục này do chính Ngài tâm sự với chúng tôi như sau:
Cứ mỗi năm Tết đến, khi tôi còn là Linh Mục, tôi đều về Việt Nam nghỉ phép thường niên 3 tuần lễ, với mục đích duy nhất là chỉ để thăm viếng thân mẫu của tôi đã già yếu, mà người Công Giáo thường xưng hô với thân phụ mẫu của một Linh Mục là Ông Bà Cụ Cố nếu lớn tuổi hoặc Ông Bà Cố nếu còn trẻ tuổi. Năm đầu tiên tôi về thăm thân mẫu của tôi và một hôm, có một cặp vợ chồng quen thân với Bà Cố tức Mẹ tôi, họ nghe được tin tôi từ Hoa Kỳ về thăm Bà Cố, nên họ đến thăm chào hỏi tôi và bà vợ của ông chồng này, tình cờ kể lại cho tôi nghe một câu chuyện khá thương tâm, về một thiếu phụ bị chồng bỏ, ở cùng trong xứ đạo với Mẹ tôi, chị ta rất ngoan đạo, Mẹ tôi cũng biết rõ chị này không bao giờ bỏ Lễ ngày Chủ Nhật. Chị đang phải nuôi 2 đứa con trai, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi, chồng của chị bỏ nhà ra đi, không một lời từ biệt với vợ và 2 con, biệt tăm tích đã gần một năm nay rồi, để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới với một cô gái trẻ đẹp, kém chị ta cả chục tuổi.

Hàng ngày chị phải dậy thật sớm thổi mấy nồi xôi đậu xanh và đậu đen, để cùng với đứa con trai lớn mang xôi ra chợ bán, đến gần xế trưa 2 Mẹ con mới trở về nhà, vội vàng ăn uống xong xuôi đâu đấy, rồi 2 Mẹ con lại cùng với đứa con trai út, rời nhà để đi ra chợ làm phu khuân vác, dọn dẹp sạch sẽ cho các sập bán hàng lẻ ở ngoài chợ, 3 Mẹ con làm tới tối mịt mới quay trở về nhà. Ngày nào cũng như ngày ấy, cả 3 Mẹ con không được nghi ngơi, ngoại trừ sáng sớm ngày Chủ Nhật, 3 Mẹ con đi dự Thánh Lễ xong, lại ra chợ tiếp tục làm những công việc hàng ngày mà 3 Mẹ con vẫn làm và kể từ khi chồng chị bỏ nhà ra đi, 2 đứa con chị phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ Mẹ những công việc lao động vừa được kể trên, mới kiếm được đủ tiền nuôi sống 3 Mẹ con cho đến ngày hôm nay.
Tôi vừa nghe kể xong câu chuyện này, động lòng thương xót và tội nghiệp cho 2 đứa trẻ nhỏ không được đi học, nên tôi liền yêu cầu cặp vợ chồng này, hãy dẫn tôi đến thăm 3 Mẹ con chị ta ở tại nhà chị ta, để tôi nói cho người Mẹ biết là tôi sẵn sàng giúp đỡ chị, bằng cách bảo trợ tài chánh cho 2 đứa con chị được tiếp tục cắp sách đi học trở lại, cho tới khi chúng học xong bậc trung học. Sau khi chị nghe tôi nói thế, chị tỏ ra rất xúc động, chị nói:
Con xin hết lòng đội ơn Cha, những điều Cha nói làm con cứ ngỡ là con đang nằm chiêm bao, vì đây là điều ước mong duy nhất của con, mà hàng ngày con cầu xin Chúa ban xuống cho con cách riêng, để làm sao con có thể đưa 2 con của con trở lại trường học, như trước kia hàng ngày, chồng của con vẫn đưa 2 con đến trường, khi anh ấy vẫn còn ở nhà với con. Giờ đây thật là sung sướng hạnh phúc biết bao cho con và 2 con của con, vì Cha đã thay mặt Thiên Chúa đến đây để đáp ứng lời cầu nguyện của con từ bấy lâu nay.

Nhờ vào số tiền hàng năm của tôi gửi về cho chị và chị coi tôi như là người Bố đỡ đầu tinh thần cho 2 con của chị, để giúp đỡ cho 2 cháu được tiếp tục đi học, như tôi đã hứa và sau khi chị trang trải tiền học phí, tiền mua sách vở cho 2 con, chị cho tôi biết vẫn còn dư thừa chút đỉnh, nên 2 cháu không cần phải làm bất cứ một công việc gì nặng nhọc, để phụ giúp chị như trước kia nữa, mà chúng chỉ biết vùi đầu vào sách vở, đến cuối năm cả 2 cháu đều được lãnh nhận phần thưởng danh dự, là 2 học sinh giỏi nhất lớp, được nhà trường khen thưởng và mỗi cháu còn nhận được một trăm Mỹ kim của tôi với tư cách là Bố đỡ đầu tinh thần của chúng từ Hoa Kỳ gửi về, để tưởng thưởng cho chúng học giỏi. Như đã nói ở phần trên, mỗi năm tôi về Việt Nam một lần, để thăm nom sức khoẻ của thân mẫu tôi, mỗi lần về như thế, tôi đều có ghé nhà chị ta để đón 2 đứa con của chị về nhà Mẹ của tôi ăn cơm vài ba lần và để thăm hỏi sức khoẻ của chúng, đồng thời cũng để kiểm điểm lại sự học hành của chúng xem chúng học hành tới đâu. Lẽ dĩ nhiên, những lần tôi đến đón chúng về nhà Mẹ tôi, thì không bao giờ có Mẹ chúng đi theo chúng.
Qua những kinh nghiệm trong công tác Tông Đồ Mục Vụ của tôi là một Linh Mục cho tôi biết, việc gì phải đến thì nó sẽ đến, ngoại trừ Thiên Chúa hay Thượng Đế ra, không ai có thể biết trước được việc gì sẽ xẩy đến cho mình. Tất cả 6 lần trong 6 năm liên tục, tôi về Viêt Nam để thăm viếng thân mẫu tôi và cũng như mọi năm, trong thời gian 3 tuần lễ tôi ở nhà Mẹ tôi, tôi đều có đến đón 2 đứa con tinh thần của tôi về nhà Mẹ tôi ăn cơm và trò chuyện với chúng vài tiếng đồng hồ, xong rồi tôi lại lái xe đưa chúng về nhà Mẹ của chúng, thả chúng xuống trước cửa nhà, mà tôi không cần phải xuống xe để dẫn chúng vào nhà, lúc đón cũng như lúc đưa chúng về, chỉ có một lần Mẹ chúng thấy tôi tới, thì chị vội vàng chạy ra chỗ xe tôi đang đậu để chờ chúng, chị mời tôi vào nhà uống trà, có 2 đứa con cũng ngồi cùng cả đấy, chúng tôi trao đổi với nhau vài ba câu chuyện xã giao, kéo dài khoảng 15 phút, thì tôi đứng dậy xin cáo biệt chị ra về, vì còn phải chở Mẹ tôi đưa tôi đến thăm Cha Chánh Xứ họ đạo Nhà Thờ Tân Định, như đã có hẹn trước với Ngài.

Năm nay tôi về VN là lần thứ 6 như mọi năm, để thăm Mẹ tôi. Cũng như thường lệ, tôi lái xe đến đón 2 đứa con tinh thần, luôn luôn chúng nó đã đứng chờ sẵn ở trước cửa nhà, khi xe tới, chẳng cần phải nói lời nào, tự động chúng mở cửa xe phía sau và leo lên xe ngay. Nhưng lần này, khác hẳn những lần trước, chỉ thấy Mẹ chúng đang đứng chờ trước cửa nhà và khi xe của tôi vừa chạy tới, thì chị chạy vội ra, mời tôi vào trong phòng khách ngồi chờ 2 cháu, chị cho biết là 2 cháu còn đang mắc bận thay áo quần trong phòng tắm. Trong lúc tôi ngồi trong phòng khách đợi 2 cháu, thì chị ngồi trên chiếc ghế cách xa, đối diện với tôi và nói :
Thưa Cha, con hết lòng tạ ơn Cha đã giúp đỡ cho 2 đứa con của con được đi học liên tục gần 6 năm qua, ơn trời biển bao la này của Cha dành cho 2 con của con, tất cả chúng con không biết đến bao giờ mới có thể đền đáp lại ơn này cho Cha, nhưng chúng con sẽ luôn luôn ghi tạc ơn này tận đáy lòng chúng con, cho tới khi chúng con lìa đời. Hôm nay con dám mạnh dạn, để xin Cha cho phép con được bầy tỏ sự thầm kín chân thành nhất từ đáy lòng của riêng con với Cha, là xin Cha bảo lãnh cho 2 đứa con của con được sang Hoa Kỳ tiếp tục sự học của chúng, để chúng nó có một cơ hội tiến thân trên con đường học vấn và nhờ đó, chúng nó sẽ có thể trở thành những nhân tài nổi danh trên thế giới mai sau, góp phần làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam ở quốc ngoại.
Để có thể thực hiện được ý nguyện thầm kín này của con, con xin Cha vì tấm lòng nhân từ bác ái của Cha, xin Cha hãy bằng lòng làm giấy hôn thú giả với con một cách kín đáo, chỉ có Cha và con biết chuyện này mà thôi và khi sang tới Hoa Kỳ, con và 2 con của con sẽ cư trú tại một tiểu bang khác, cách xa tiểu bang nơi Cha đang ở, để tránh sự dòm ngó dị nghị của mọi người chung quanh, không làm phương hại đến thanh danh của Cha là một Linh Mục thánh thiện, rồi gắng đợi đến 2 năm sau, Cha mới làm giấy ly dị con, tới lúc đó chúng con đã trở thành thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ rồi, chúng con không còn sợ bị trục xuất trả về VN nữa.
Tôi cố gắng ngồi yên lặng để nghe chị nói hết lời, chứ thực ra, vừa nghe chị nói đến câu làm giấy hôn thú giả, thì tôi đã hết hồn, cảm tưởng như có quân khủng bố đang đặt trái bom dưới nệm ghế tôi ngồi và tôi cố gắng lấy lại sự bình tĩnh, để giải thích cho chị hiểu rõ rằng:

Đối với Luật Công Giáo, không bao giờ cho phép một Linh Mục làm một điều gì dối trá trước mặt Chúa và hơn thế nữa, đối với luật pháp Hoa Kỳ lại càng chết tươi, ăn năn tội chẳng kịp, hành động giả vờ lấy nhau làm vợ làm chồng, không chóng thì muộn cũng sẽ bị chính quyền phát giác, tới lúc đó người phối ngẫu ở Hoa Kỳ, sẽ được mời đi nghỉ mát nhiều năm trong trại tù và có thể cộng thêm một số tiền phạt vạ nữa; còn người phối ngẫu từ nước ngoài tới, thì ở trong tư thế sẵn sàng khăn gói quả mướp, chờ ngày lên đường bị tống xuất trở về quê cũ. Vì mới cách đây vài năm tại tiểu bang California, chính quyền tiểu bang hợp tác với chính quyền liên bang, đã khám phá ra cùng một lúc, nhiều cặp vợ chồng giả vờ lấy nhau (Fraud Marriage), nhưng không hề ăn ở với nhau một ngày nào và để áp dụng đúng theo Luật Di Trú Hoa Kỳ (US Immigration Law) đã quy định, thì tất cả những người phạm pháp này, đều bị truy tố ra Toà Án Di Trú (US Immigration Court) xét xử.
Nếu can phạm ở đây có quốc tịch, thì chỉ lãnh bản án đi nghỉ mát nhiều năm trong nhà tù, còn nếu can phạm chỉ là thường trú nhân thôi, thì sau khi đã mãn hạn thời gian nghỉ mát ở tù về, thì có thể sẽ bị Sở Di Trú trục xuất đương sự trả về nguyên quán, riêng những can phạm từ nước ngoài vào, thì bị tạm giam để chờ ngày lên đường về quê cha đất tổ. Tôi vừa mới nói tới đây, chưa kịp giải thích thêm, thì chị đã chạy nhào tới ôm chặt lấy tôi trong vòng tay của chị, ngả đầu lên vai tôi, khóc nức nở, làm ướt đẫm chiếc áo chùng thâm của tôi đang mặc trên người và lần này không còn phải là trái bom nổ chậm đặt dưới nệm ghế tôi đang ngồi nữa, mà hình như có ai đang chích mũi thuốc mê vào người tôi, đưa tôi vào thế mê hồn trận, nên tôi không còn biết trời trăng mây nước ra sao nữa, rồi chị cứ vừa khóc vừa tỉ tê kể lể tràng giang đại hải bên tai tôi, nào là em đã thương yêu Cha từ nhiều năm nay rồi, em biết rõ có một số Linh Mục đã được Giáo Quyền cho phép cởi áo tu sĩ ra ngoài đời lập gia đình có sao đâu, lấy vợ đâu có phải là một hành động xấu xa gì, trái lại hành động này là một hành động can đảm, đáng phục, vì dám công khai thú nhận một sự thật tình yêu công chính, không việc gì phải sợ sệt, dấu diếm trước giáo hội và trước giáo dân của mình. Như thế, rõ ràng trường hợp của Cha, nếu Cha bằng lòng lấy em làm vợ, là vì lòng nhân từ bác ái của Cha, để cứu giúp một thiếu phụ với 2 đứa con còn nhỏ dại vượt trùng dương hàng ngàn dặm, để đến được bến bờ tự do hạnh phúc, chứ đâu có phải vì Cha ham mê sắc dục hay vì mê gái 2 con trông mòn con mắt của em đâu, mà đến nỗi làm Cha phải xin từ bỏ chiếc áo chùng thâm để lấy em và nếu sự việc này cho rằng Cha phạm tội trước mặt Chúa, thì hoàn toàn lỗi tại em vì em đã cám dỗ Cha, chứ Cha đâu có cám dỗ em, Chúa biết rõ từng sợi tóc trên đầu của mỗi người, nên Chúa sẽ hiểu rõ việc làm này của Cha, vì con người ta chỉ có thể che mắt thế gian, chứ không thể nào che mắt Chúa được v.v.....

Mà thôi, đúng là ma đưa lối quỷ đưa đường, cứ tìm những phút dặm trường mà đi, sự thể đã ra nông nỗi này rồi, biết nói gì hơn, một khi đôi con tim của hai kẻ đã cùng nhau hoà chung một điệp khúc tình ca bất hủ, mà những ai thương yêu nhau vẫn còn nhớ câu hát: Thương Nhau Cởi Áo Cho Nhau, Về Nhà Mẹ Hỏi Qua Cầu Gió Bay. Thế là tôi đành phải nhắm mắt đưa chân, để thề hứa với chị, là sau khi tôi được giáo quyền cho phép cởi bỏ chiếc áo chùng thâm này ra, thì tôi sẽ quay trở về VN cưới chị làm vợ chính thức và đem 3 Mẹ con chị sang đoàn tụ với tôi ở Hoa Kỳ.
Đúng 1 năm sau, sau khi tôi được Giáo Quyền cho phép tôi trở thành thường dân, tôi đã giữ đúng như lời thề hứa trước kia với chị và tôi đã trở về VN cưới chị làm vợ và đã đưa cả 3 Mẹ con chị sang Hoa Kỳ chung sống với tôi. Đến lúc này, tôi mới hiểu rõ rằng, trong mỗi một cuộc sống của con người trên trần thế, dù lập gia đình hay sống độc thân, trong mọi hoàn cảnh khác biệt nhau và trong mọi môi trường sinh sống khác biệt nhau, mỗi người đều phải trả cho cái giá đắt hoặc rẻ của nó, mà mỗi người đã tự chọn lựa môi trường cho cuộc sống của mình.
Nhưng ngay bây giờ, nếu ai hỏi tôi : Nên Lập Gia Đình hay Nên Đi Tu, thì tôi thực tâm sẽ trả lời họ rằng: Nên Đi Tu thì hơn, như người ta thường nói Tu Là Cõi Phúc, Tình Là Giây Oan. Vì tôi là người đã có diễm phúc được từng trải nhiều năm sống trong 2 môi trường khác biệt nhau này, mà nhờ đó, tôi mới biết rõ đời sống vợ chồng không đơn giản như tôi nghĩ khi tôi còn đang trong thiên chức Linh Mục. Quả thật đúng như câu nói: Có nằm trong chăn mới biết chăn có rận và giờ đây, làm tôi nhớ lại những lời nhắn nhủ chân thành của một Linh Mục lớn tuổi, mà tôi kính trọng Ngài như người Anh Cả của tôi, đã nói với tôi trước ngày tôi về VN lần đầu:
Tôi biết Cha có một đời sống rất thánh thiện ( Religious life) với lòng tự tin mãnh liệt (Strongly self-confident) vào Đấng Quyền Năng Tối Cao sáng tạo ra trời đất và con người chúng ta, đó là 2 yếu tố tiên quyết, cần phải có đối với những vị tu hành thuộc bất cứ tôn giáo nào, mà Cha đã có, nhưng trên thực tế, nếu có 2 yếu tố này vẫn chưa đủ sức lực, để chống chọi lại những cạm bẫy cám dỗ của đồng tiền và tình dục, mà chúng ta luôn luôn cần phải ý thức và tự cảnh giác lòng mình trước những cạm bẫy cám dỗ này, kẻo không, chúng ta sẽ bị rơi vào cạm bẫy, rồi tới lúc đó lại đổ vạ cho ma quỷ cám dỗ chúng ta. Vậy xin Cha hãy ghi nhớ 2 câu nói sau đây trong đời sống tu hành của chúng ta là:
Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh và Lúa Chín Đầy Đồng, Nhưng Thợ Gặt Thì Ít, chứ không thiếu như nhiều người tưởng lầm. Nhiều lúc ngồi một mình thầm lặng để suy ngẫm lại những lời nhắn nhủ này, tôi mới cảm thấy thấm thía cho cuộc đời hiện tại của tôi.

( Internet )

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

LỄ KÍNH THÁNH THOMAS ( TÔ MA ) TÔNG ĐỒ

Thánh Tô Ma đang xác định có phải là Chúa GiêSu hay không ?
Mình rất thích bản chất của Ông Thánh này." THẤY MỚI TIN "
Michellhp