ĐÂY CHỈ LÀ TRANG BLOG CÁ NHÂN,KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO TÔN GIÁO HAY ĐOÀN THỂ NÀO.CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ VÀO XEM

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

HẠ XÁC CHÚA GIÊSU


Trong suốt thời kỳ Phục Hưng (tk 14-16) lan sang tận cuối thời Baroque (tk 16-17), vẽ cảnh hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Tự Giá là một thách thức lớn đối với các họa sĩ.Trước hết là thách thức về mặt kỹ thuật. Cụ thể hơn, là thách thức của nguyên tắc “vẽ đúng” theo cách nhìn “hiện thực” và theo các tiêu chuẩn thẩm mỹ về tính “cao cả”: làm thế nào để diễn tả hình ảnh Chúa Giêsu đã chết được đưa xuống khỏi Thập Tự Giá trong dáng dấp quặt quẹo mà không làm mất đi vẻ uy nghiêm của Người và không làm kinh sợ…
Tiếp theo, là thách thức về mặt tư tưởng. Cụ thể hơn, là thách thức của cách lý giải chủ đề và biểu hiện nghệ thuật. Hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, tuy đau thương, nhưng biểu hiện thẩm mỹ, căn bản vẫn là tinh thần BI TRÁNG, và tự nó đã bao gồm một ý nghĩa BIỂU TƯỢNG “THẦN THIÊNG”... Hình ảnh Chúa Giêsu sống lại, đi ra hay bay lên từ mộ đá, đã là hình ảnh khẳng định cho sự CHIẾN THẮNG và đã có ý nghĩa THẦN KỲ… Ở cả hai chủ đề này, cách lý giải chủ đề, mang đầy tính lý tưởng và gần như sẵn có, bởi vậy, sự thể hiện không trở nên quá khó..Chủ đề “Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Tự Giá” thì khác hẳn. Nó gần như thuần tuý chỉ là câu chuyện đời thường. Làm thế nào để thể hiện những hình ảnh đau thương đời thường này mà không sa vào các tình cảm bi lụy thế tục, vẫn chuyển tải được ý nghĩa thiêng liêng cần có…
Bởi những thách thức như vậy, mà họa sĩ nào cũng muốn lao vào để "đo lường tầm vóc" của mình! May thay, không ít người đã thành công, nên cuối cùng, cho đến ngày nay, chúng ta đã được nhìn thấy không ít tuyệt tác trong chủ đề này.
Ở đây, tôi xin giới thiệu một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất.
Đây là bức tranh khổ lớn (220 x 262cm) của họa sĩ người Hà Lan Roger van der Weyden (1399-1464) sáng tác năm 1435Theo các nhà viết sử nghệ thuật, đây là tác phẩm đầu tiên thể hiện thành công chủ đề hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Tự Giá, và là tác phẩm đáng chú ý nhất thể hiện sự chín muồi của tác giả. Do hoà trộn giữa phong cách tượng trưng Trung Cổ trong cách thể hiện không gian và phong cách tả thực Phục Hưng trong cách thể hiện hình ảnh nhân vật, bức tranh đã có dáng dấp của một hoạt cảnh sân khấu vừa sống động vừa nghiêm trang. Sự sống động thể hiện qua sắc thái biểu cảm ở từng gương mặt, từng hình vi của các nhân vật. Và câu chuyện Kinh Thánh đã được thể hiện một cách trọn vẹn… Thân hình Chúa Giêsu, được xoay toàn bộ mặt trước về phía người xem, trở thành trung tâm của tác phẩm. Các phụ nữ khóc lóc đóng khung tâm điểm này ở cả hai bên. Thánh Gioan cúi về phía trước, giống như Thánh nữ Maria Mađalêna ở phía bên kia, cố gắng vô vọng để đỡ lấy Đức Trinh Nữ đang ngã xỉu trong chuyển động tương ứng với chuyển động của thân mình Chúa Giêsu đang được đưa xuống. Vẻ câm lặng của các ông già càng làm nổi bật những cử chỉ diễn cảm của các vai chính…Bằng phong cách “sân khấu hóa” này, Rogier đã nối truyền thống Gothic-kiểu-thức-hóa đến gần với nghệ thuật hiện đại Phục Hưng. Đó là một đóng góp lớn mang tính lịch sử, giúp hòa hợp những đòi hỏi mới được đặt ra cho nghệ thuật với mục đích tôn giáo cổ xưa.
Tác phẩm này, ban đầu, được vẽ cho một nhà nguyện ở Leuven, Hà Lan, nhưng từ thế kỷ 16, nó đã thuộc sở hữu của người Tây Ban Nha. Đến nay, nó đang được đặt tại bảo tàng Prado, Madrid, Tây Ban Nha.

Khuôn mặt Chúa Giê-Su trong bức tranh

( Nghệ Thuật Công Giáo )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét