Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

THẮC MẮC QUANH BÀN THỜ GIA TIÊN



Đạo Công Giáo ngày nay có cho phép gia đình Công Giáo được lập bàn thờ ông bà cha mẹ đã khuất hay không ? Có được thắp nhang đèn, van vái trước bàn thờ tổ tiên, tổ chức giỗ chạp theo phong tục cổ truyền đối với người quá cố như các gia đình Việt Nam khác không có đạo không ?
Trường hợp gia đình cha mẹ con chỉ thờ phượng ông bà tổ tiên thôi thì khi lập gia đình ch...
úng con có thể khấn lạy ra mắt ông bà tổ tiên của gia đình mình cũng như bên gia đình nhà vợ không ?
Giải đáp
Anh M. thân mến,
Như anh đã biết người Công Giáo cũng có bổn phận thảo hiếu với cha mẹ và tổ tiên ông bà. Ngoài việc chăm lo phụng dưỡng khi còn sống mà cả khi đã qua đời cũng luôn phải nhớ ơn, xin lễ và và cầu nguyện cho các ngài nữa.
Nhân câu hỏi của anh về việc lập bàn thờ cho ông bà, cha mẹ đã khuất và giỗ chạp theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam tôi xin trích Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam làm tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965 xin Tòa Thánh áp dụng huấn thịPlane compertum est (8-12-1939) về việc tôn kính tổ tiên đã được Bộ Truyền giáo chấp thuận Ngày 20-10-1964 :

Thể thức áp dụng Huấn thị Plane compertum est

1) Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp.
Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.
2) Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.
Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự... thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong giáo luật, khoản 1258 (GL 1917).
Một văn kiện nữa là thông cáo của Hàng Giám Mục Việt Nam sau Đại Hội toàn quốc kỳ VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc đã diễn ra tại Nha Trang từ ngày 12 đến 14 tháng 11 năm 1974 cụ thể hoá hơn nữa những gì được thực hiện phù hợp với tinh thần hội nhập văn hoá của quê hương, đất nước . Kết thúc khóa họp, 7 giám mục tham dự ra thông cáo về "Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên." Các giám mục chấp thuận và cho thi hành quyết nghị của Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19 tháng 4 năm 1972.
Thông cáo giải thích thêm 6 điểm của quyết nghị 1972:

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như hồn bạch.
2. Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày "kỵ nhật" được "cúng giỗ" trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín, như đốt vàng mã, và giảm thiểu cùng canh cải những lễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm "Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên" trước bàn thờ, giường thờ Tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với Ông Bà.
5. Trong tang lễ được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Ðược tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các "yêu thần, tà thần".
Với thông cáo chính thức của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam anh có thể yên tâm biểu lộ những cử chỉ tôn kính, hiếu thảo đối với tổ tiên và cả với những người có công với dân tộc trong xã hội nữa. Về những cử chỉ bầy tỏ sự tôn kính trong hôn lễ trước bàn thờ tổ tiên cũng đã được thông cáo trình bầy rõ ràng, chắc hẳn đã trả lời cho những thắc mắc của anh.
Hi vọng những điều vừa trình bầy giúp anh và nhiều người khác hiểu rõ lập trường của Hội Thánh đối với phong tục của dân tộc Việt Nam. Việc tôn kính tổ tiên không những chỉ là một việc nên làm mà còn là bổn phận và nghĩa vụ của con cháu theo lệnh truyền của Chúa là thảo kính cha mẹ, giới răn đứng ngay sau việc thờ phượng Chúa.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét